Bài viết
Xuất khẩu dệt may lên kế hoạch “vượt sóng”
Xuất khẩu dệt may lên kế hoạch “vượt sóng”
Lượt xem: 635
Ngày đăng: 08/01/2024
Năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn cho ngành dệt may do nhu cầu thế giới chưa có nhiều tín hiệu phục hồi. Để ứng phó, hầu hết doanh nghiệp xây dựng kịch bản “vượt sóng”.
Tín hiệu phục hồi nhẹ

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc giảm 3,1 tỷ USD (giảm 8,9%); xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (giảm 6,9%); xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (giảm 10,3%); xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (giảm 16%).

Năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành dệt may vẫn có cơ hội trong năm nay khi nhu cầu thị trường dự kiến cải thiện hơn năm 2023, do kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy thông tin, bước sang năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận một vài tín hiệu tích cực, như đơn hàng quay trở lại đến hết quý I/2024. Không những thế, nhiều đối tác đã đưa ra lời hứa tiếp tục đặt hàng ở quý II đến quý IV/2024. Các đơn hàng gia tăng, lao động tại doanh nghiệp phải tăng ca đến Chủ nhật, kể cả ngày lễ.

Với những đơn hàng yêu cầu cao về sản xuất bền vững, sản xuất xanh, giai đoạn trước, doanh nghiệp Bangladesh có được lợi thế nhiều hơn, nhưng nay dịch chuyển một phần sang Việt Nam, do lương nhân công tại Bangladesh đã tăng.
Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết, năm 2024, Mỹ vẫn sẽ là thị trường nổi bật và có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là trước thềm bầu cử. Ngoài ra, gần đây, Dony đã tiếp cận thị trường Nga và nhận thấy có tín hiệu khả quan khi thị trường này có sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhiều hơn. Dony đang thực hiện đơn hàng cho doanh nghiệp Nga đến Tết Nguyên đán.
Dony cũng đang có một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Đông. Còn ở thị trường Đông Nam Á, các đơn hàng xuất khẩu sang một số quốc gia như Malaysia, Campuchia… đang khá đều.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt - may - thêu - đan TP.HCM nhận định: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may được dự báo còn nhiều khó khăn về đầu ra do thị trường không có sự tăng trưởng, giá sản phẩm không tăng. Ngoài ra, các chính sách về sản xuất xanh, sản phẩm xanh vẫn chưa được khai thác tốt. Với 6 tháng cuối năm, dự báo các thị trường truyền thống sẽ phục hồi”.

Doanh nghiệp tích cực tìm giải pháp
Ngoài tình hình đơn hàng có biến động ở các thị trường, những thách thức với dệt may trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi đối diện với hàng loạt khó khăn từ việc áp dụng cơ chế EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh, yêu cầu tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…
Thế nhưng, với những tín hiệu có phần khả quan, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kịch bản “vượt sóng”.

Theo ông Phạm Văn Việt, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thêm thị trường châu Phi, Trung Đông…, song ngành dệt may cần thêm thời gian để chứng minh chất lượng, giá cả và mức độ uy tín tại thị trường này.
Ông Quang Anh cho biết, năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15% so với năm 2023. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh không khả quan, doanh nghiệp sẽ lựa chọn chiến lược “phòng thủ”, thay vì cố thực hiện mục tiêu với không ít rủi ro đi kèm…

Không những mở rộng thị trường, khi kinh tế còn nhiều khó khăn, để có thể nhận được các đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản là nhanh và rẻ. Đặc biệt, các đơn hàng đầu năm 2024 đa số ở mức trung bình thấp trở xuống.

Ông Trần Văn Quy cho biết, nói về chính sách giá, Trung Quy cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may không thể đưa ra mức giá mình mong muốn, mà các đối tác sẽ ép giá khi so sánh qua nhiều bên. Sau khi cân đối, cắt giảm một số chi phí tiêu hao…, nếu doanh nghiệp vẫn có được một khoảng lợi nhuận nhỏ, thì vẫn nhận đơn hàng để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Còn tại Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, doanh nghiệp hướng đến phát triển online, livestream bán hàng thông qua kênh bán hàng của doanh nghiệp. Để làm việc này, doanh nghiệp đã chuẩn bị về công nghệ, đào tạo nhân sự và liên kết với các kênh như Tiktok, Google, Facebook… để bán hàng.